Kế hoạch và Mục tiêu Đại học Đà Nẵng

Mục tiêu và định hướng chiến lược

Mục tiêu chiến lược của Đại học Đà Nẵng là trở thành Đại học Quốc gia thứ 3 của Việt Nam, một hệ thống đại học bao gồm nhiều trường đại học và các đơn vị thành viên dựa trên một mô hình quản trị đại học tiên tiến; tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu năng động, sáng tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đủ sức giải quyết tất cả các vấn đề chuyên ngành và đa ngành đặt ra trong thực tế, tạo động lực phát triển bền vững cho khu vực; là cầu nối quan trọng trong hợp tác quốc tế để hỗ trợ quá trình hội nhập toàn diện của khu vực trong quá trình toàn cầu hóa.

Trong hơn 20 năm qua, các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đã cung cấp cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung lực lượng cán bộ trọng yếu của hầu hết các ngành kinh tế, kỹ thuật - công nghệ và quản lý nhà nước. Đại học Đà Nẵng đang nỗ lực không ngừng nâng cao vai trò, vị thế với tư cách là một đại học tiêu biểu mang tầm vóc quốc gia và quốc tế xây dựng cho mình một học hiệu chất lượng để hướng tới mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu vào năm 2030, phấn đấu là một trong những đại học trọng điểm có uy tín hàng đầu ở Việt Nam, được xếp hạng cao trong hệ thống giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới.

Theo chương trình số 45-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng trong việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố” để triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 1 năm 2019 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, Đà Nẵng sẽ tích cực phối hợp cùng với với Đại học Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ, thủ tục đầu tư, xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt; xúc tiến việc thành lập Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Đà Nẵng và đề xuất thành lập Đại học Quốc gia Đà Nẵng trên cơ sở sắp xếp lại, đầu tư nâng cấp Đại học Đà Nẵng, các trường đại học trên địa bàn thành phố và địa phương lân cận.[8]

Mạng lưới các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng trong tương lai

Theo Quyết định 1219/QĐ-ĐHĐN Chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 của Đại học Đà Nẵng[9] trở thành Đại học Quốc gia thứ 3 của Việt Nam, một trong 3 trung tâm giáo dục đại học của cả nước với nhiều trường đại học thành viên, thì đến năm 2035 Đại học Đà Nẵng sẽ hoàn thiện mạng lưới các trường thành viên bao gồm 12 cơ sở giáo dục Đại học bao gồm:

  1. Trường Đại học Bách Khoa
  2. Trường Đại học Kinh tế
  3. Trường Đại học Sư phạm
  4. Trường Đại học Ngoại ngữ
  5. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật
  6. Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn
  7. Trường Đại học Y Dược
  8. Trường Đại học Quốc tế Việt - Anh
  9. Trường Đại học Khoa học
  10. Trường Đại học Luật
  11. Trường Đại học Văn hóa và Du lịch
  12. Trường Đại học Kontum
  13. Trường Đại học Quảng Nam (theo nguyện vọng của trường Đại học Quảng Nam đang được thẩm định chờ phê duyệt)

Dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng

Giai đoạn năm 1997-2017

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với quy mô 300 ha, quy mô đào tạo 30.000 sinh viên theo quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg và Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum với quy mô 100 ha đang được triển khai thực hiện sẽ tạo cho Đại học Đà Nẵng một diện mạo mới. Sự hoàn thiện về cơ sở vật chất kết hợp đồng bộ với sự phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực và trình độ cao sẽ giúp nhà trường thực hiện được mục tiêu chiến lược đã đề ra. Tuy nhiên việc triển khai quy hoạch dự án không như kỳ vọng, cử tri tại quận Ngũ Hành Sơn và thị xã Điện Bàn liên tục kiến nghị lên các Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân địa phương để kiến nghị lên các Bộ, ban, ngành Trung ương nhiều lần, nhiều nhiệm kỳ Quốc hội nhưng vẫn chưa được đáp ứng yêu cầu.

Ngày 8 tháng 9 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi xây dựng cơ vật chất Đại học Đà Nẵng giai đoạn 1 với mục tiêu dự án[10]: tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các cơ sở hiện có và xây mới một số hạng mục công trình của các trường thành viên tại địa điểm hiện nay của Đại học Đà Nẵng, đầu tư làm mốc giới, nhằm quản lý đất, tránh lấn chiếm và phục vụ cho xây dựng mới.

Trong bản đồ quy hoạch lần 1 thì ngoài các trường thành viên còn có thêm Đại học Đại cương và Đại học Bưu chính viễn thông. Tuy nhiên, sự ra đời của trường Đại học Ngoại ngữ cũng kéo theo phải thay đổi quy hoạch và tấm bản đồ lần 2 có 8 trường trong làng đại học gồm: trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Kinh tế, trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Ngoại ngữ, trường Cao đẳng Công nghệ, trường Đại học Xây dựng và trường Đại học Bưu chính viễn thông[11].

Ngày 19 tháng 6 năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định 3248/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2 (năm 2007-2010). Ngày 8 tháng 7 năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định 2798/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2.

Giai đoạn năm 2017 đến nay

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thị sát dự án Làng Đại học Đà Nẵng (ngày 24 tháng 2 năm 2017)

Ngày 24 tháng 2 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đi thị sát dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Sau gần 20 năm triển khai, chỉ có một số công trình được xây dựng như Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, còn nhiều diện tích của dự án vẫn “treo”, ảnh hưởng đến sự phát triển của Đại học Đà Nẵng cũng như đời sống người dân trong vùng ảnh hưởng dự án. Sau khi thăm và thị sát quy hoạch của Làng Đại học Đà Nẵng, Thủ tướng cho biết sẽ giải quyết dứt điểm việc “treo” 20 năm qua của quy hoạch, tạo điều kiện cho sự phát triển của trường đại học trọng điểm của khu vực Miền Trung-Tây Nguyên này, sẽ đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư trung hạn và các nguồn hợp pháp khác phát triển làng Đại học Đà Nẵng, trong đó tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu đô thị Đại học Đà Nẵng sớm được phát triển, khắc phục chậm trễ thời gian qua[12].

Theo đề nghị của Đại học Đà Nẵng và ý kiến rất đồng thuận từ lãnh đạo hai địa phương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng đã “phát lệnh” tái khởi động dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Dự án Khu Đô thị đại học Đà Nẵng là một chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và có vị trí đặc biệt với khu vực Miền Trung-Tây Nguyên[13]. Đây cũng là dự án mà lãnh đạo hai địa phương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vô cùng tâm huyết, với mong muốn sớm được triển khai.

Ngày 19 tháng 4 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ làm việc với Đại học Đà Nẵng về kế hoạch triển khai quy hoạch khu đô thị Đại học Đà Nẵng. Ngày 14 tháng 7 năm 2017, trong chuyến làm việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, vấn đề triển khai dự án Khu Đô thị đại học Đại học Đà Nẵng lại được tiếp tục đề cập.

Chiều ngày 02 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng. Kết luận cuộc làm việc, theo Chính phủ Việt Nam thì cả trung ương và địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng dồn lực để tập trung phát triển 3 đại học này thành những Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, trước hết là cho 3 vùng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0[14], tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng sạch và ổn định cuộc sống cho người dân ở các vùng dự án. Ngày 22 tháng 11 năm 2017, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 542/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu uy tín trong nước và khu vực.

Trong quá trình triển khai dự án, ban lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã tích cực làm việc với các địa phương Quảng NamĐà Nẵng nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đẩy nhanh quá trình thực hiện.

Ngày 24 tháng 9 năm 2018, nhân buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại chủ trương của thủ tướng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo địa phương về việc xây dựng ba Thành phố Đại học ở ba miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Đây được xem là sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ đối với giáo dục đại học Việt Nam.

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24 tháng 1 năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự án này tiếp tục được đưa vào nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ngày 8 tháng 1 năm 2019, nhân chuyến thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải tái khẳng định đối với các dự án của giáo dục gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được ưu tiên để bố trí nguồn vốn[15].

Cuối tháng 1 năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; đồng thời, xây dựng các công trình cấp thiết về dự án, bố trí vốn cho Quảng NamĐà Nẵng đầu tư xây dựng các khu tái định cư, phục vụ giải tỏa, di dời toàn bộ các hộ dân thuộc quy hoạch dự án (giai đoạn 2018-2020)[16].

Ngày 25 tháng 2 năm 2019, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký văn bản số 227/QĐ-TTg Quyết định Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng tỷ lệ 1/2000. Theo đó, về quy mô đào tạo và các khu chức năng, quyết định nêu rõ, tổng quy mô phục vụ đến năm 2035 là 66.000 người gồm 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ[17].

Ngày 12 tháng 11 năm 2019, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 10344/VPCP-KTTH về việc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương án dự kiến phân bổ 1.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn của cả nước giai đoạn (2016 – 2020) để triển khai thực hiện dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng. Trước mắt, dự kiến kế hoạch năm 2020 Chính phủ sẽ bố trí 500 tỉ đồng cho dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng[18].

Phân khu quy hoạch

Các khu chức năng cơ bản gồm:

  • Khu trung tâm (trung tâm điều hành khu đại học, công trình dịch vụ công cộng và một số tiện ích chung).
  • Khu học tập và các cơ sở nghiên cứu thuộc Đại học Đà Nẵng dự kiến bố trí cho 11 trường thành viên đã được xác định tại Chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng.
  • Khu thể dục thể thao và giáo dục quốc phòng.
  • Khu nghiên cứu-phát triển-ươm tạo.
  • Khu quảng trường, công viên cây xanh.
  • Khu ký túc xá sinh viên gồm nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt.
  • Khu nhà ở công vụ, đất giao thông, đầu mối hạ tầng kỹ thuật của toàn khu.

Tại các khu chức năng còn bố trí quỹ đất cho giao thông nội bộ, sân bãi của từng dự án, bố trí quỹ đất thương mại dịch vụ (để huy động vốn đầu tư) và khu dữ trữ cho sự phát triển cho toàn hệ thống.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại học Đà Nẵng http://www.webometrics.info/en/Asia/vietnam http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/lang-dai-hoc-... http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Thu-tuong-go-vuong-... http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-nang-t... http://mnews.chinhphu.vn/story.aspx?did=360388 http://www.dangcongsan.vn/khoa-giao/phe-duyet-nhie... http://giaoducthoidai.vn http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-truong-phung-... http://m.sggp.org.vn/uu-tien-nguon-von-giai-phong-... http://fpe.udn.vn/